Bàn giải pháp phát triển Sâm Lai Châu
Tại “Diễn đàn mùa xuân về phát triển sâm Lai Châu” do UBND tỉnh tổ chức chiều 28/2, đã có nhiều đại biểu đại diện các công ty, doanh nghiệp, hiệp hội, hộ trồng sâm, cơ quan quản lý Nhà nước và nhà khoa học tham luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và định hướng phát triển bền vững, hiệu quả vùng trồng sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh. Báo LaiChau Online lược ghi một số ý kiến.
QUẢN LÝ, BẢO TỒN NGUỒN GIỐNG SÂM TỰ NHIÊN
Tiến sỹ Phạm Quang Tuyến – Viện Nghiên cứu lâm sinh: Bảo tồn nguồn gen trong tự nhiên, trước hết phải xây dựng vườn giống. Xây dựng đề án khoanh vùng bảo tồn nguồn gen có cây sâm phân bổ trong tự nhiên; xây dựng đề án lưu giữ nguồn gen sâm Lai Châu. Cùng với đó, định hướng phát triển vườn cây giống cụ thể như: xây dựng mỗi huyện tối thiểu 1 trung tâm phát triển vườn giống chất lượng cao được chọn lọc, đủ điều kiện sản xuất tối thiểu 1 triệu cây giống/năm, đáp ứng công suất trồng 10ha/năm (100.000 cây/ha; xây dựng đề án phát triển nguồn giống tại chỗ trong dân. Hoàn thiện kỹ thuật nhân giống (từ hạt), tiêu chuẩn cây giống chất lượng cao. Xây dựng trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.
Chính sách phát triển dược liệu hiện nay Nhà nước đều có hướng dẫn chung, tuy nhiên HĐND, UBND tỉnh, các ngành liên quan trên cơ sở hướng dẫn của trung ương nên có chính sách đặc thù, riêng biệt. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, hiệp hội, đoàn thể nhằm tạo ra sự lan tỏa để chính sách đi vào lòng dân, vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất, mở rộng sản xuất.
GIẢI PHÁP VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG SÂM
Ông Nguyễn Trọng Lịch – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sở đã và đang chủ động rà soát, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng hệ thống văn bản quy định về cơ chế, chính sách đảm bảo tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho phát triển sâm Lai Châu. Trước mắt, tập trung việc nghiên cứu, vận dụng các quy định, cơ chế, chính sách, khung pháp lý phù hợp để thu hút các nguồn lực phát triển sâm Lai Châu; kịp thời tiếp nhận các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của tổ chức, cá nhân phát triển sâm để nghiên cứu giải đáp, tham mưu tháo gỡ theo quy định.
Đẩy nhanh tiến độ giao rừng và phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững cho các ban quản lý rừng phòng hộ. Hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ cao để trồng sâm Lai Châu; tạo điều kiện cho các tổ chức thuê đất thực hiện dự án; khuyến khích người dân cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê đất hoặc liên kết để thực hiện các dự án trồng sâm ứng dụng công nghệ cao…
CHẾ BIẾN SÂU SẢN PHẨM TỪ SÂM LAI CHÂU
Ông Ngô Tân Hưng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sâm Lai Châu: Hiện nay, sâm Lai Châu chỉ chế biến một số sản phẩm đơn giản chưa có sản phẩm chế biến sâu. Hiện, một công ty thành viên của Hiệp hội Sâm Lai Châu đã tự bỏ kinh phí ra ký hợp đồng với cơ quan có chức năng nghiên cứu và một nhóm các nhà khoa học thực hiện việc nghiên cứu tính chất, công dụng, thành phần, liều lượng sử dụng của sâm Lai Châu. Thời gian dự kiến hoàn thành đề tài sớm nhất khoảng cuối năm 2023. Sau khi hoàn thành nghiên cứu này mới có cơ sở nghiên cứu tiếp ra các sản phẩm chế biến sâu từ sâm Lai Châu. Các sản phẩm sau khi được Cục Quản lý dược Bộ Y tế kiểm định phê duyệt sẽ được sản xuất tại các nhà máy sản xuất dược phẩm tiêu chuẩn GMP thì mới được phân phối ra thị trường.
Thường trực Hiệp hội cũng đang tích cực đồng hành phối hợp với doanh nghiệp và các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu để sớm có kết quả, ứng dụng vào chế biến sâu.
QUAN TÂM ĐẦU TƯ HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐẾN VÙNG DƯỢC LIỆU
Ông Đao Văn Khánh – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè: Trên cơ sở chủ trương của tỉnh về tổ chức thực hiện phát triển sâm trên địa bàn của tỉnh Lai Châu; xác định là địa bàn trọng điểm về sâm, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Tè chủ trương ban hành nghị quyết chuyên đề về tổ chức thực hiện phát triển sâm trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện đang thu hút các doanh nghiệp vào khảo sát, phát triển sâm trên địa bàn. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút nguồn nhân lực và tổ chức phát triển sâm trên diện rộng.
Huyện mong muốn tỉnh cụ thể hóa chính sách đầu tư, hỗ trợ của trung ương phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh, đặc biệt huyện Mường Tè. Quan tâm đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông vào vùng trồng và phát triển dược liệu quý, trong đó có sâm Lai Châu. Bố trí nguồn vốn nhất định đưa điện lưới, nguồn nước; tổ chức quy hoạch phát triển vườn giống, đủ điều kiện cung cấp giống cho bà con trồng trên diện rộng.
THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN KHI TRIỂN KHAI CÁC MÔ HÌNH TRỒNG SÂM
Ông Dương Thanh Lâm – Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh: Công ty đang triển khai trồng dược liệu, trong đó có sâm Lai Châu tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ. Tại vùng trồng áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như: trồng sâm công nghệ cao trong nhà màng hiện đại, nhà màng lưới đen đơn giản và bán tự nhiên dưới tán rừng. Dựa vào quá trình triển khai thực tế trong thời gian qua, cộng với kinh nghiệm hơn 10 năm nghiên cứu các phương pháp trồng trọt và tham khảo thực tế tại các vườn sâm ở Quảng Nam – Kon Tum, chúng tôi có những phân tích sơ bộ về thuận lợi và khó khăn của từng mô hình.
Đối với mô hình nhà màng hiện đại có ưu điển là cây trồng chuyên canh với mật độ cao, đảm bảo tính đồng nhất; dễ trồng, dễ chăm sóc và thu hoạch; dễ dàng kiểm soát từ xa bằng công nghệ. Có thể điều tiết các yếu tố môi trường phù hợp nhất với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây… Tuy nhiên, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng cao; cần mặt bằng có diện tích lớn và bằng phẳng ở độ cao trên 1.600m là rất khó. Yêu cầu kỹ thuật có chuyên môn vận hành hệ thống và khó áp dụng cho nông hộ sản xuất.
Mô hình bán tự nhiên dưới tán rừng: diện tích rừng tự nhiên lớn, điều kiện tự nhiên phù hợp với cây sâm; chi phí đầu tư thấp, do sử dụng vật liệu tự nhiên; dễ trồng, phù hợp với những nông hộ có sẵn diện tích. Nhược điểm là công tác quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn; cây sâm trồng mật độ không cao, phân tán nhỏ lẻ, do địa hình phức tạp. Dễ bị thiệt hại dẫn đến hao hụt do các yếu tố bất lợi của môi trường.
MẠNH DẠN ĐẦU TƯ VÀ MỞ RỘNG VƯỜN TRỒNG SÂM
Anh Pờ Và Hừ – bản Xín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè: Cây sâm ở bản Xín Chải B đã có từ rất lâu dưới tán rừng và được bà con trong bản lấy về làm thuốc cũng như bán nên ngày càng ít. Vì lo lắng sẽ cạn kiệt nguồn giống, bố tôi mạnh dạn mang cây giống sâm về trồng thử tại vườn. Bước đầu còn khó khăn và tỷ lệ cây giống chết khá lớn, sau một thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến thời điểm này, gia đình tôi có thể tự ươm giống và triển khai nhân rộng diện tích.
Hiện, bản thân tôi tự quy hoạch và tách ra trồng riêng vườn sâm với khoảng 1.200 cây sâm trên diện tích 2.000m2. Tôi đầu tư nhà lưới có mái che; tham gia các lớp tập huấn do Viện Dược liệu và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Từ kiến thức tích lũy, tôi tuyên truyền, vận động 45 trong tổng số 57 hộ dân của bản tham gia trồng sâm. Kết quả, gia đình tôi và nhiều gia đình có kinh tế khá từ cây sâm.
PHÁT TRIỂN GIỐNG SÂM LAI CHÂU
Ông Phàn A Sơn – bản Xin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường: Năm 2017, gia đình tôi liên kết với 4 hộ dân ở thành phố Lai Châu và Thành phố Hà Nội đầu tư mô hình ươm và trồng giống sâm Lai Châu tại bản Xin Chải, xã Giang Ma. Khởi điểm khoảng 2.000m2, đến nay nhân rộng trên 1ha. Tôi lắp đặt mô hình: xây dựng hệ thống khung, trụ, cột, quây lưới đúng kỹ thuật và bảo quản hạt giống, ươm cây, chăm sóc, phòng chống bệnh hại đúng quy trình.
Trong quá trình triển khai, tôi mua trên 500 cây sâm Lai Châu từ 5 – 10 năm tuổi để trồng, chăm sóc và thu hoạch hạt giống. Sau khi thu hạt giống sẽ bán thân, lá cũng như cây giống. Riêng năm 2022, gia đình thu trên 400 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 15 – 20 lao động tại vườn ươm. Ngoài sâm Lai Châu, chúng tôi còn trồng thí điểm một số cây sâm như: vũ diệp, thất diệp và tam thất hoang. Từ đó, giúp bà con trên địa bàn tiếp cận và từng bước đầu tư trồng sâm Lai Châu cũng như một số loại dược liệu khác để tăng thu nhập.
Nguồn: https://www.baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/b%C3%A0n-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-s%C3%A2m-lai-ch%C3%A2u