Nỗ lực bảo tồn dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt
Đã có những thời điểm, các thương lái Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra tới cả trăm triệu đồng cho một kilogram sâm Lai Châu, tạo ra những thách thức trong việc bảo tồn và phát triển nguồn sâm quý hiếm của vùng núi phía Bắc nước ta.
Dược liệu quý và nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên
Cây sâm Lai Châu chính thức được phát hiện vào năm 2013, nhưng vào thời điểm đó, chưa nhiều người mặn mà với loài cây “lạ” này. Người dân địa phương mới chỉ biết phơi khô cây sâm và tích trữ, sử dụng đơn thuần như một bài thuốc bồi bổ sức khỏe. Nhưng không lâu sau đó, xuất hiện hiện tượng các thương lái Trung Quốc ồ ạt, ráo riết thu mua sâm Lai Châu với giá rất cao. Nếu như thời gian đầu, giá thu mua sâm Lai Châu mới ở mức 60 triệu đồng/kg, thì những đợt thu mua sau đó có thể đẩy giá sâm lên đến 100 triệu đồng/kg.
Sâm Lai Châu chứa nhiều chất và hoạt chất quý hiếm.
Với mức giá thu mua như thế, sâm Lai Châu bị thu hoạch tới mức cạn kiệt trong tự nhiên. Cây sâm Lai Châu vốn là loài cây ưa bóng, chỉ sinh trưởng dưới các tán rừng rậm nhiều tầng ở độ cao từ 1.400-2.200m. Do đó, khi bị thu hoạch quá mức mà không kịp chờ những lứa cây mới sinh trưởng, sâm Lai Châu đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Được biết, lý do khiến thương lái Trung Quốc cực kỳ săn đón sâm Lai Châu là vì loài sâm này chứa lượng saponin quý gấp đôi nhân sâm Hàn Quốc (phân lập sâm Lai Châu có tới 52 saponin trong khi sâm Hàn Quốc chỉ có 26 loại saponin). Hơn nữa, trong sâm Lai Châu còn có chứa một loại saponin đặc biệt hoạt, đó là chất Majonoside R2 (MR2), được chứng minh là có tác dụng rất tốt trong việc chống oxy hóa, chống lão hóa, thậm chí là điều trị ung thư. Tại Việt Nam, MR2 chỉ tồn tại duy nhất trong sâm Lai Châu và sâm Ngọc Linh, tuy nhiên, xét về chỉ số sinh trưởng, thì sâm Lai Châu có năng suất phát triển cao hơn hẳn sâm Ngọc Linh.
Nỗ lực nghiên cứu và bảo tồn của doanh nghiệp địa phương
Nếu chỉ hoàn toàn dựa vào nguồn sâm Lai Châu mọc tự nhiên và sau đó lại để vuột mất nguồn dược liệu quý này vào tay thương lái Trung Quốc thì sẽ là một điều đáng tiếc lớn cho cả ngành nông nghiệp và dược liệu Việt. Do đó, tỉnh Lai Châu đã kêu gọi các doanh nghiệp uy tín chủ động đầu tư, phát triển để bảo tồn cây sâm địa phương.
Sâm Lai Châu được ươm trồng trong nhà màng tại độ cao 1.700m.
Do có nhiều đặc điểm sinh trưởng riêng nên việc mở rộng trồng sâm Lai Châu không hề đơn giản. Đây là loài cây ưa ẩm, mọc ở vùng có khí hậu mát quanh năm, lạnh sâu vào mùa đông, thích hợp với đất có tầng mùn dày, tơi xốp, dễ thoát nước. Công nghệ nhà màng là công nghệ duy nhất phù hợp để trồng sâm Lai Châu, tạo điều kiện tối ưu nhất để cây sâm quý phát triển đồng đều.
Nguồn tin: quandoinhandan.vn