Sức sống mới nơi vùng biên Pa Vệ Sủ
Địa hình không bằng phẳng, khí hậu khắc nghiệt khiến những thửa ruộng chỉ có thể canh tác 1 vụ lúa, trảng nương bạc màu bỏ trống ngày càng nhiều ở xã biên giới Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè). Bởi vậy, khi cây sâm Lai Châu bén rễ đã từng bước mang lại sức sống mới cho vùng biên nơi đây.
Xã Pa Vệ Sủ có 2 dân tộc cùng sinh sống là La Hủ và Mảng. Tỷ lệ hộ nghèo cao (năm 2022 là 78,10%) khiến cho cấp ủy, chính quyền xã luôn trăn trở tìm lời giải: trồng cây gì, nuôi con gì mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng truyền thống và phát triển chăn nuôi đại gia súc; trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng để hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, xã định hướng, vận động Nhân dân đầu tư trồng sâm. Cùng với đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vào khảo sát, trồng sâm dưới tán rừng và trong nhà lưới. Bởi, trước kia, trên địa bàn xã có rất nhiều cây sâm Lai Châu trên núi Pu Si Lung nhưng người dân đã khai thác gần như cạn kiệt.
Với nhiều lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu cũng như thực hiện kế hoạch của UBND huyện về Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn xã đã có 4 doanh nghiệp, 4 bản trồng sâm tập trung, còn lại trồng rải rác với diện tích ước 15ha. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện cũng đang khảo sát, tìm hiểu đầu tư
Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác của UBND tỉnh, huyện Mường Tè thăm vùng trồng sâm của Công ty TNHH Một thành viên Liên Phương (xã Pa Vệ Sủ).
Tại bản Sín Chải B, hiện nay có 2 doanh nghiệp và 44 hộ dân (trong tổng số 53 hộ dân tộc La Hủ) trồng sâm Lai Châu. Thay vì trồng dưới tán rừng tự nhiên, cả 2 đơn vị cùng rất nhiều hộ dân đã đưa cây sâm về trồng tại bản theo mô hình nhà lưới.
Ngoài 30 tuổi nhưng anh Pờ Và Hừ được dân bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Đó là bởi anh được đi nhiều nơi, hiểu nhiều chuyện và biết cách làm kinh tế và cũng là người đầu tiên của bản đưa cây sâm Lai Châu về trồng ở vườn nhà năm 2018.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Pờ Và Hừ cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo ở bản cao. Khi thấy doanh nghiệp vào xã khảo sát rồi trồng sâm, tôi cũng học hỏi và lên rừng tìm sâm giống về trồng. Vườn sâm của tôi rộng 240m2, sâm củ chưa thể bán nhưng cũng bắt đầu bán cây giống. Mình làm rồi hướng dẫn bà con, kết quả 44 hộ tham gia trồng với diện tích trung bình khoảng 30m2 sâm/hộ. Tôi hy vọng, sâm không chỉ giúp bà con ở Sín Chải B giảm nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.
Không có lợi thế để trồng dưới tán rừng nhưng Công ty TNHH Một thành viên Liên Phương (tại bản Sín Chải B) cũng đã xây dựng được vùng trồng sâm Lai Châu với quy mô hàng vạn cây giống. Được đầu tư bài bản, đảm bảo các điều kiện tốt nhất, toàn bộ diện tích hiện đang phát triển tốt.
Đối với Công ty Pusilung Center ở bản Sín Chải C đã trồng sâm Lai Châu dưới tán rừng từ năm 2016. Đến nay, công ty có gần 3.000 cây sâm Lai Châu đầu dòng tự nhiên và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Riêng năm 2022, công ty ươm được 2 vạn cây – là nguồn giống để nhân rộng diện tích trong những năm tới.
Theo đánh giá, giá trị kinh tế trên thị trường của sâm Lai Châu rất cao. Giá thu mua 1kg sâm tươi có thể trung bình 20 triệu đồng/kg; 1kg sâm tươi 10 tuổi khoảng 50 triệu đồng, thời điểm khan hiếm có thể lên tới 60 – 70 triệu đồng/kg. Ngoài xã Pa Vệ Sủ, nhiều địa phương trong huyện cũng có diện tích tự nhiên lớn với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nhiều loại dược liệu quý hiếm, đặc biệt là sâm Lai Châu.
Trưởng bản Pờ Và Hừ (thứ 3 từ phải sang) tiên phong đầu tư trồng sâm Lai Châu ở bản Sín Chải B.
Cùng với sự đồng hành, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, huyện đã kêu gọi và thu hút doanh nghiệp đầu tư, thực hiện ký biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư với 7 đơn vị đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn huyện với tổng diện tích 460ha. 5 đơn vị tham gia phát triển trồng sâm Lai Châu với diện tích trên 6,8ha và một số cây dược liệu khác.
Nhằm xây dựng thêm loại cây trồng chủ lực để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, từng bước giúp người dân vùng biên thoát nghèo và làm giàu, huyện Mường Tè đang chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển cây sâm Lai Châu và một số cây dược liệu khác giai đoạn 2023 – 2025, dự kiến sẽ ban hành nghị quyết trong tháng 3/2023.
Với những phương án, lộ trình cụ thể, tin rằng sức sống mới từ cây sâm Lai Châu ở Pa Vệ Sủ sẽ tiếp tục lan tỏa sâu hơn, rộng hơn tới các bản làng vùng biên Mường Tè. Để từ đó, vòng luẩn quẩn của đói nghèo chỉ còn là câu chuyện trong quá khứ.