
Câu chuyện của vị thủ lĩnh trồng Sâm trên đỉnh Pusilung! (Phần 1)
Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.
Trồng sâm giữ rừng!
Năm 2017, Công ty Sâm Pusilung được thành lập. Pusilung là tên đỉnh núi cao thứ 2 ở Tây Bắc sau Fanxipang với độ cao 3.013m so với mực nước biển. Nhưng, địa danh này cũng chính là chỉ dẫn địa lý của vườn sâm hữu cơ lớn nhất Lai Châu, lớn nhất Tây Bắc mà những người mang khát vọng nâng tầm cây sâm Lai Châu lên thành ngành hàng như ông Ngô Tân Hưng đang ấp ủ.
Cây sâm Lai Châu đã tạo thu nhập cho đồng bào bản địa. Ảnh: Kiên Trung
Trước khi bén duyên với cây sâm, ông Hưng là chuyên gia về thủy điện. Quá trình đầu tư, xây dựng hai nhà máy thủy điện tại xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), ông được nghe về một loại dược liệu quý hiếm mọc tự nhiên, do người dân bản địa vào rừng tìm thấy và số lượng rất giới hạn. Tò mò, ông đặt mua. Đó là loại củ có hình dạng sâm, thân chia thành nhiều đốt, mỗi đốt là một năm tuổi sinh trưởng. Người dân địa phương khi đó gọi tên “tam thất đen”, cách dùng phổ thông và gần như duy nhất, đó là… ngâm rượu.
Mua tích được 20kg củ, ông Hưng cho hết vào ngâm rượu, có những củ dài ngoằng vài chục đốt mắt. Bẵng đi nhiều năm không nhớ đến, năm 2013, lần đầu tiên cây sâm Lai Châu được công bố là cây dược liệu bản địa, đặc hữu, chợt nhớ tới bình rượu củ ngâm “bỏ quên” mấy năm qua, ông mới giật mình vì bấy lâu mình đang sở hữu một chum dược liệu quý hiếm. Bởi bây giờ, người dân có đốt đuốc, lật tung cả rừng cũng không tìm được những củ sâm có tuổi đời lâu năm như vậy.
“Ngày đó, số tiền bỏ ra mua 20kg củ nói trên là 200 triệu đồng, tương ứng 10 triệu đồng/kg. Bây giờ, những củ sâm tự nhiên có tuổi đời vài chục năm như vậy, có những củ 80 đốt mắt tương ứng với 80 năm, giá trị của nó là vô giá chứ không đo đếm bằng tiền. Thật đáng tiếc, nếu khi đó có thông tin, nếu biết được đó là củ sâm Lai Châu, tôi sẽ không bao giờ ngâm rượu mà sẽ giữ để bảo tồn, nhân giống”, ông Hưng tiếc nuối.
Cũng trong thời gian đó, ông Hưng chứng kiến cơn sốt sâm rừng. Những người đứng ra thu mua, càn quét những củ sâm rừng cuối cùng, sau đó tất cả chúng đều được bán cho Trung Quốc. Người Trung Quốc mua về làm gì không ai biết, nhưng cơn sốt sâm rừng ở Lai Châu tăng giá mỗi ngày, từ vài triệu đồng cho tới vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng/củ. Những củ càng lâu năm, nhiều đốt, nhiều mắt…, số tiền thương lái bỏ ra càng lớn.

Trồng sâm dưới tán rừng của Công ty Cổ phần Sâm Pusilung. Ảnh: Kiên Trung.

Các luống đất trồng sâm được tạo trên địa hình dốc giúp bổ sung, tăng cường lượng mùn cho cây rừng. Ảnh: Kiên Trung
Những bản làng kéo nhau lên rừng tìm sâm không khác cảnh ngậm ngải tìm trầm. Nnhững nhóm vài chục con người cơm nắm tay xách, dàn hàng ngang sục sạo những cánh rừng, không kể dốc cao, vực sâu. Sâm tự nhiên bị tìm kiếm, đào bới tới mức tuyệt diệt. Những củ sâm rừng tự nhiên, nếu may mắn ngủ đông, rụng lá hay mọc trong những góc khuất, khe vắng…, may mắn mới còn sót lại.
Chưa hết, bà con vùng sâu vì nghèo đói, mưu sinh sẵn sàng phá rừng, đốt nương làm rẫy, hay đi vào rừng tìm sâm, tìm mật ong… Quá trình đốt lửa hun khói đuổi ong – những hệ lụy, nguyên nhân vô tình làm cháy rừng… tưởng như chỉ rất ất ơ.
Nếu không giữ rừng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững của hai nhà máy thủy điện mà công ty đang đầu tư. Là người yêu rừng, yêu nông nghiệp, có trách nhiệm với thiên nhiên và cộng đồng, ông Hưng quyết định lập dự án trồng rừng đầu nguồn để giữ nước cho nhà máy, ngăn người dân không đốt nương làm rẫy. Lồng ghép trong dự án trồng rừng, ông Hưng xin chủ trương trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Tỉnh Lai Châu phê duyệt dự án, giao cho công ty trồng và bảo vệ 550ha rừng thượng nguồn ở xã Pa Vệ Sủ.
Cơ duyên đến với cây sâm Lai Châu của ông Ngô Tân Hưng khởi nguồn như thế!
Vườn sâm hữu cơ trên nóc nhà Pusilung
Từ trung tâm huyện lị Mường Tè vào xã Pa Vệ Sủ là một con đường độc đạo. Quãng đường hơn 20km nhưng thời gian di chuyển hết hơn 1 giờ đồng hồ. Như là duyên số, nhà máy thủy điện nằm ở chót cùng của xã thuộc dải Pusilung có độ cao trên dưới 3.000m. Đây cũng là độ cao lý tưởng, phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây sâm.

Ông Ngô Tân Hưng kiểm tra vườn sâm hữu cơ trồng trong nhà màng. Ảnh: Kiên Trung.
Con đường công vụ của dự án thủy điện giờ đây cũng là đường dân sinh của hai bản Pá Hạ, Chà Gá (xã Pa Vệ Sủ) với hơn 100 hộ dân người La Hủ, Hà Nhì sinh sống.
Việc đầu tiên mà Công ty Cổ phần Sâm Pusilung triển khai đó là trồng rừng. Một tổ công tác được thành lập với nhiệm vụ đo đạc tọa độ, khoanh vùng bảo vệ và lên phương án trồng rừng. Sau 3 năm, diện tích rừng trồng mới ở Pa Vệ Sủ đạt hơn 300ha cây óc chó. Phần diện tích rừng chưa trồng được khoanh nuôi, giữ rừng tái sinh.
Đứng trên độ cao gần 3.000m, trỏ tay chỉ khoảnh đồi có màu trầm đục nổi lên giữa một dải xanh rì phủ kín đường biên dài hàng chục km, từ cột mốc 42 lên cột mốc 48, là một vệt loang lổ hệt như một miếng vá khác màu được một thợ may vụng về vá víu lại chỗ rách trên chiếc áo vốn toàn màu xanh. “Chỗ đó là vạt rừng bị cháy vào mùa khô năm ngoái. Một nhóm đồng bào vào rừng đi lấy mật, đốt bùi nhùi đuổi ong rồi thành cháy rừng”, ông Hưng xót xa.

Cây sâm 1 năm tuổi của Pusilung. Ảnh: Kiên Trung.
Mục đích xin trồng rừng của ông Hưng vốn dĩ xuất phát từ nguồn cơn như thế. Với những khu vực rừng trồng thuộc dự án trồng rừng tái sinh, ở độ cao từ 1.400m đến trên 2.000m phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của cây sâm bản địa, Pusilung xây dựng 3 phân khu, với tổng diện tích sâm đang được trồng lên tới 30ha, đang là vườn sâm lớn nhất ở Lai Châu.
Trước khi tới vườn, tôi băn khoăn chưa hiểu, trồng dược liệu dưới tán rừng như thế nào, liệu có phải cuốc lớp đất về mặt rừng rồi sau đó vùi những củ sâm xuống bên dưới, để chúng tự vươn lên như thể những củ sâm rừng tự nhiên vẫn tồn tại một cách ngẫu nhiên từ trước tới giờ, và có gây tác động gì tới rừng hay không? Nhưng, khi được tận mắt nhìn cách thức trồng sâm dưới tán rừng, những băn khoăn của tôi đã được giải đáp.
Tại phân khu số 1, anh Ngô Mạnh Kính (SN 1983) – trưởng vườn đang phụ trách chăm sóc 3ha sâm. Đây là những cây sâm đầu tiên được chuyển giao từ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, được TS Phạm Quang Tuyển hỗ trợ vườn kỹ thuật chăm sóc trồng dưới tán rừng, có tuổi đời 6 năm tuổi của Pusilung.

Vườn sâm dưới tán rừng trên độ cao 1.600m. Ảnh: Kiên Trung
Dưới tán rừng đang bắt đầu khép tán, vườn sâm là những luống đất mùn tơi xốp có bề rộng 1,2m, dài khoảng 10m, mỗi luống đang được trồng ủ với số lượng vài trăm cây/luống. Để khắc phục tình trạng đất dốc cần có một phương án phù hợp.
Đích thân Ngô Tân Hưng mày mò, tìm hiểu rồi về Hưng Yên đặt hàng một cơ sở chế biến hạt nhựa sản xuất vách ngăn hình lưới mắt cáo. Các luống đất được quây bằng lớp vách ngăn này, xung quanh đóng cọc để níu giữ, bên trong là một lớp lưới nhựa dày để giữ đất, thoải theo triền dốc. Những khu vườn nhân tạo theo cách thức này không những không tác động tới môi trường rừng, ngược lại gia cố, giữ đất cho cây rừng.
Đất trồng sâm là giá thể được ủ trộn bằng lá cây cỏ băm nhỏ, ủ cho hoai mục kết hợp với các phụ phẩm nông nghiệp, gồm vỏ trấu, cám gạo, bột đậu tương trộn với đất đồi được phơi khô, nghiền tơi…, tổng thể tới 15 loại trộn lẫn.
Một vòi nước được dẫn về từ trên đỉnh núi. Tại mỗi vườn đều có một chiếc ao nhân tạo, bên dưới bọc vải địa kỹ thuật giữ nước. Hằng ngày, công nhân trực tiếp mang vòi phun tưới từng luống sâm. Nước tưới sâm cũng đồng thời tưới luôn cây rừng, đó là lý do khiến cánh rừng có dược liệu trồng xen bên dưới, sau 5 năm đã vượt lớn phổng phao, thân cây to đều gần một người ôm. Tính đa giá trị của mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đã tạo nên hệ sinh thái có tác động giữ rừng, giúp rừng phát triển.

Chùm quả sâm chín đỏ dịp cuối năm sẽ được thu hoạch để ươm dưỡng tạo cây giống cho mùa mới.

Vườm ươm sâm của Pusilung. Ảnh: Kiên Trung
Người làm nông nghiệp, đất trồng và nước tưới là những yếu tố tiên quyết tạo nên sức khỏe cho cây trồng, đó là những nguyên liệu vô cùng quý giá. Sự chuẩn bị cho kế hoạch phát triển vườn sâm lớn nhất Tây Bắc được chuẩn bị bài bản, công phu. Một nhóm công nhân chuyên phụ trách phân xưởng chế biến phân, giá thể; nhóm phụ trách xây dựng vườn trồng; nhóm chăm sóc cây; một phân xưởng ươm giống do anh Nguyễn Minh Giang phụ trách. Dịp cuối năm, khi những chùm quả sâm bắt đầu chín đỏ, anh Giang sẽ đảm nhiệm việc thu hoạch hạt, ươm dưỡng và gieo hạt tạo cây sâm giống… Đây cũng là cách thức gây giống để nhân rộng cây sâm Lai Châu.
Từ vườn sâm đầu tiên được trồng dưới tán rừng, Pusilung đã phát triển thành 4 vườn sâm với diện tích 30ha trong kế hoạch 150ha trồng sâm. Những cây sâm sau thời gian được trồng, chăm sóc từ phân khu số 1 sẽ được tách chuyển về trồng trong nhà màng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng, thuận tiện cho việc chăm sóc. Một khu vực trồng sâm bán hoang dã vừa lấy giống, vừa phục vụ nghiên cứu.
“Mỗi một năm, số lượng hạt sâm thu hoạch được lên khoảng vài trăm ngàn hạt, gieo ủ tỷ lệ thành công lên tới 80%, sau đó chăm sóc cây giống đến 1 năm tuổi rồi tách trồng. Sâm Lai Châu đạt tỷ lệ theo yêu cầu từ năm thứ 5 trở đi”, ông Hưng lý giải.

Kỹ sư nông nghiệp của Công ty Cổ phần Sâm Pusilung kiểm tra định kỳ sức khỏe cây trồng.
Được thành lập từ năm 2019, Công ty Cổ phần Sâm Pusilung là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển vùng trồng sâm Lai Châu – loại dược liệu quý hiếm đã được đưa vào Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam năm 2007. Để đảm bảo vùng trồng, đơn vị lập dự án khai thác và bảo tồn sâm Lai Châu tại đỉnh núi Pusilung, được UBND tỉnh Lai Châu giao 550ha rừng trồng kết hợp trồng cây dược liệu, thời hạn 50 năm.
Từ những cây giống sâm Lai Châu đầu tiên có tuổi đời đến 45 năm tuổi, qua gần 5 năm đặt nền móng đầu tiên cho việc nhân giống cây sâm bố mẹ, vừa xây dựng vùng trồng sâm vừa bảo tồn thiên nhiên, thật tự hào khi thương hiệu Sâm Pusilung đã và đang đến gần với quý khách hàng, những người thật sự mong muốn được sử dụng sản phẩm chất lượng với nguồn gốc rõ ràng.
Từ những cây sâm quý được chăm sóc cẩn thận với quy trình nghiêm ngặt tại độ cao từ 1.500m so với mặt nước biển, qua quá trình nghiên cứu và kiểm định chất lượng, Pusilung đã sản xuất các sản phẩm từ sâm như rượu sâm, trà sâm, mật ong sâm.
Ngoài ra, công ty vẫn thực hiện cung cấp cây sâm tươi, sâm sấy khô từ các cây sâm có độ tuổi khác nhau. Sâm Pusilung đang góp phần bảo tồn cây sâm Lai Châu, với khát vọng đưa sâm Lai Châu trên hành trình vươn tầm quốc tế.
Sau khi tham dự hội nghị “Định hướng phát triển sâm Việt Nam” do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì vào giữa tháng 8/2024, ông Ngô Tân Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu càng thêm đau đáu về quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam phát triển lên thành ngành hàng mới đa giá trị, vừa bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu, vừa để người dân cả nước được tiếp cận sản phẩm quý hiếm, tốt cho sức khỏe… chứ không phải chỉ dành cho những người giàu. Khi đã nâng lên thành ngành hàng, nó sẽ là cây kinh tế, làm giàu cho những vùng đất khó!